Tiền người mua đóng góp để sở hữu nhà hình thành trong tương lai phải được quản lý bởi ngân hàng và chỉ sử dụng cho đúng công trình mở bán.
So với những bản soạn thảo đầu tiên, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi mà Quốc hội thảo luận chiều 24/10 đã được tiếp thu theo hướng bổ sung nhiều chế tài bảo vệ người mua nhà hình thành trong tương lai. Tuy nhiên các quy định mới vẫn chưa khiến các đại biểu yên tâm, đặc biệt là nội dung sử dụng đúng mục đích đối với nguồn tiền huy động thông qua bán nhà “trên giấy”.
Nhận xét về luật Kinh doanh bất động sản đang có hiệu lực, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng các quy định về bán nhà hình thành trong tương lai mới chỉ theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước chứ chưa bảo vệ lợi ích của người dân. Ông Lịch dẫn chứng, việc khống chế tỷ lệ huy động vốn trước khi giao nhà mà không không quy định việc sử dụng nguồn tiền này khiến người người mua nhà không biết chủ đầu tư đem tiền dân góp đi làm việc gì, có đầu tư vào công trình mở bán hay đi làm việc khác.
|
Bán nhà trên giấy phải được ngân hàng bảo lãnh và thông báo cho địa phương |
Bán nhà trên giấy phải được ngân hàng bảo lãnh và thông báo cho địa phương Ảnh: Hoàng Lan
Để khắc phục tình trạng này, Phó đoàn TP. HCM đề nghị tiền thu từ bán nhà trong tương lai phải được ký gửi vào ngân hàng và các nhà băng chỉ giải ngân cho chính công trình đó, đồng thời có trách nhiệm minh bạch nếu người dân yêu cầu.
Từ thực tế người làm tín dụng, cựu Chủ tịch Ngân hàng Công thương – Phạm Huy Hùng dẫn chứng, ông chứng kiến rất nhiều vụ tranh chấp của người mua nhà với chủ đầu tư vì huy động vốn cho dự án này nhưng tiền lại chảy đi đường khác, khiến công trình chậm tiến độ.
“Cần bổ sung chế tài quy định trách nhiệm ngân hàng trong trường hợp giải ngân cho chủ đầu tư không đúng mục đích, không phù hợp tiến độ dự án”, ông Hùng đề xuất.
Đại biểu Đỗ Văn Đương còn kiến nghị truy cứu trách nhiệm hình sự với một số hành vi trong kinh doanh bất động sản trong đó nhấn mạnh đến tình trạng huy động và chiếm dụng vốn của khách hàng. “Nhiều dự án thu tiền của dân xong rồi bỏ hoang hóa hàng năm trời, không chỉ lừa dân mà còn không thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách tức là lừa cả Nhà nước, như vậy là "đại lừa"", ông Đương bức xúc.
Nhiều ý kiến cũng băn khoăn rằng, quy định mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư được bán, cho thuê, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai có nhiều rủi ro, dễ nảy sinh tranh chấp. Do vậy, các đại biểu đề nghị cần quy định chặt chẽ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua.
Theo ủy ban Kinh tế - Cơ quan thẩm tra, dự luật đã được tiếp thu chỉnh sửa theo hướng chủ đầu tư chỉ được thu tiền của khách hàng khi đã xây dựng xong móng của công trình và thu không quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà. Bên cạnh đó muốn bán phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng đồng thời phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở địa phương trước khi bán.
Cơ quan thẩm tra cũng nhận được ý kiến cho rằng cần quy định ngân hàng bảo lãnh phải tiếp tục tổ chức việc đầu tư xây dựng để bàn giao nhà nếu chủ đầu tư không hoàn thành. Tuy nhiên, luồng ý kiến khác cho rằng điều này sẽ khó khả thi vì nhà băng sẽ chịu nhiều rủi ro.
Do vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp thu theo hướng chỉ quy định tổ chức bảo lãnh phải có trách nhiệm về nghĩa vụ tài chính, không quy định về trách nhiệm phải tiếp tục tổ chức đầu tư xây dựng để bàn giao nhà ở cho bên mua.
Theo lịch trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự luật này vào ngày 25/11.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét