Hiện tại, hầu hết nhà do dân tự xây dựng, không đảm bảo tiêu chuẩn về ánh sáng, vệ sinh môi trường.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đang thảo luận và sẽ biểu quyết thông qua Luật Nhà ở sửa đổi và Luật kinh doanh bất động sản sửa đổi. Đây là hai bộ luật quan trọng liên quan đến quyền sở hữu tài sản, mua bán, sử dụng nhà ở, đất ở của đa số người dân và nhiều nội dung quan trọng khác.
Bên lề kỳ họp, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời báo chí về các nội dung liên quan đến hai luật này..
PV: Chúng ta đã có cính sách tạo điều kiện cho người dân xây nhà cho công nhân thuê, nhưng thực tế lại chẳng được bao nhiêu. Theo Bộ trưởng có cần thay đổi cách làm?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Bây giờ mới bắt đầu thực hiện, chúng ta không thể đạt được mong muốn ngay. Cái này từ luật đi vào cuộc sống phải mất thời gian.
Đây là việc khó, việc mới mà chúng ta phải làm. Hiện nay người dân đã làm nhà cho công nhân thuê rồi nhưng chưa đủ chuẩn, chưa đạt chất lượng. Chúng ta phải có sự hỗ trợ. Vì là người dân tự đầu tư nhưng chúng ta phải công nhận nhà ở đó. Phải có sự hỗ trợ của nhà nước để người dân xây nhà cho thuê theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn. Đồng thời phải có sự vào cuộc của người dân. Giá cho thuê, giá bán cũng phải theo quy định.
PV: Theo Bộ trưởng, chúng ta cần có những chính sách gì đi kèm với Luật Nhà ở để hỗ trợ công nhân?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Chúng ta chưa bằng lòng với chất lượng nhà trọ, nhà ở cho công nhân. Ví dụ như, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, các dịch vụ chưa tốt, quyền của người lao động sinh hoạt trong đó còn hạn chế. Cho nên lần này phải giải quyết những tồn tại này. Nhà nước và DN có đủ tiền đầu tư cho công nhân không? Chắc chắn là không. Vì vậy chúng ta phải thừa nhận hình thức người dân đầu tư xây nhà cho công nhân thuê là hợp lý. Phải công nhận mô hình này thì mới quản lý được. Trong Luật Nhà ở lần này có một dạng nhà ở người dân đầu tư có sự hỗ trợ của nhà nước.
PV: Theo Bộ trưởng, Việt Nam nên phát triển nhà ở xã hội theo hướng nào?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Nhà ở xã hội, kinh nghiệm nhiều nước đã làm, Việt Nam cũng đã làm thành công. Ví dụ, nước Pháp quy định dành 30% trong khu đô thị cho nhà ở xã hội, để tạo ra bình đẳng, tiến bộ xã hội. Người giàu ở nhà nội thất tốt hơn, người nghèo ở nhà kém hơn nhưng hưởng chung hạ tầng. Điều này vừa tạo ra bình đẳng nhưng hạn chế tệ nạn xã hội, khác với khu người lao động ở riêng.
Việt Nam đã có những mô hình rất thành công, giữa nhà xã hội và thương mại không hề có mâu thuẫn, tất nhiên là không phải khu vực nào nhà thương mại và xã hội cũng chung các loại dịch vụ. Thực tế, cũng có những khu dịch vụ riêng cho nhà xã hội để người thu nhập thấp có dịch vụ bảo đảm vừa với thu nhập của họ.
Đầu tư cho nhà ở xã hội thì không chỉ lợi về kinh tế mà còn có lợi cả về mặt xã hội. Người dân có nhà và yên tâm lao động, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành liên quan đến xây dựng phát triển. Các nước phát triển khi tăng trưởng kinh tế kém thì hay đầu tư nhà xã hội, để tăng trưởng kính tế, tạo nhà ở cho người có thu nhập trung bình trong xã hội.
Về Quỹ phát triển nhà ở xã hội thì nhiều nước đã có, bởi vì nhà ở là tài sản cần vốn lớn nhưng không có nguồn vốn dài hạn thì rất khó khăn trong việc cải thiện nhà ở cho người lao động. Do đó rất cần có nguồn và quỹ là hình thức để tạo vốn dài hạn để người dân có thể mua hoặc thuê mua nhà.
PV: Thưa Bộ trưởng, hai luật này có tác động gì đến thị trường bất động sản?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Luật Nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản có quan điểm rất rõ là phát triển thị trường bất động sản phải theo quy hoạch và kế hoạch. Trước đây không có quy hoạch nên dẫn đến dư thừa, lãng phí. Luật này yêu cầu nâng cao quản lý nhà nươc từ trung ương đến địa phương, thực hiện cả bàn tay hữu hình và vô hình để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Phát triển theo thị trường và phát triển nhà ở xã hội có sự hỗ trợ của nhà nước. Thực hiện mục tiêu nhà ở cho người dân, cụ thể hóa Hiến pháp về quyền có chỗ ở. Giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Luật Kinh doanh bất động sản tạo hành lang pháp lý để huy động các nguồn lực phát triển bất động sản phục vụ phát triển kinh tế xã hội nhưng phải theo đúng khuôn khổ pháp lý cho phép. Đảm bảo lợi ích của người dân và nhà nước
PV: Để cân bằng cung - cầu, Bộ Xây dựng có kế hoạch dự báo thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Việc phát triển nhà ở và thị trường bất động sản nói chung là theo quy hoạch và có kế hoạch. Trước đây, cứ có đất là làm dự án, không theo quy hoạch. Nay thì phải theo quy hoạch, rồi mới tới kế hoạch 10 – 20 – 30 năm tới làm gi. Làm như vậy tránh quy hoạch treo và cân đối nguồn lực bất động sản nói chung và nhà ở nói riêng. Và như vậy trách nhiệm của chính phủ và các địa phương phải làm quy hoạch và kế hoạch trên cơ sở cân đối nhu cầu và tiêu dùng của người dân. Cho nên, các qui hoạch, kế hoạc này cần dựa trên những dự báo, thống kê, đánh giá của mỗi địa phương.
PV: Thưa Bộ trưởng, trong Luật Nhà ở lần này đối tượng ở nhà công vụ được nới hơn, điều này có làm tăng lãng phí hay không khi nhiều người không muốn trả lại nhà công vụ?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Nhà công vụ nếu theo khái niệm nhà ở xã hội có sự hỗ trợ của nhà nước thì đây cũng là một dạng nhà ở xã hội. Nhà công vụ thì cũng là ngân sách nhà nước đầu tư, với những trường hợp rất cần thiết để cán bộ luân chuyển nhận công tác, cán bộ cấp cao ở. Họ có thể có nhà nơi khác rồi, nhưng về đến Hà Nội không thể tạo dựng được ngay nên phải có nhà để cho họ thuê. Cái này không phải Việt Nam mà các nước cũng làm. Không cần nói vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, một cô giáo đi xa 40 – 50 km đi làm thì phải có nhà công vụ như nhà tập thể trước đây. Nhưng khi có điều kiện phát triển hơn thì sẽ xây căn hộ riêng.
Trong luật có chế tài cụ thể là nhà công vụ chỉ được ở trong thời kỳ làm nhiệm vụ, trong thời gian công tác.
PV: Cảm ơn Bộ trưởng!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét